Mục lục

Tại sao bố cục trong thiết kế hình ảnh lại quan trọng đến vậy? Nói ngắn gọn, nó chính xác là cách sắp xếp nội dung trong thiết kế của bạn. Dù bạn đang làm việc với văn bản, hình ảnh hay các yếu tố đồ họa thì yếu tố bố cục là cực kỳ quan trọng. Nếu không có bố cục hình ảnh một cách hợp lý, tác phẩm của bạn về cơ bản sẽ hỗn loạn và sụp đổ. Vậy nên, hãy cùng HPT MediaZ tìm hiểu về “Những cách sắp xếp bố cục mà một Designer cần nắm rõ” ngay bây giờ bạn nhé!

I. HIỂU VỀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA BỐ CỤC TRONG THIẾT KẾ

Bố cục hình ảnh là việc bạn sử dụng các mẫu, đồ họa và không gian để tạo ra một thiết kế hoàn chỉnh mang theo đó là cảm xúc và tạo sự tương tác. Nó là một trong những công cụ cốt lõi của một nhà thiết kế đồ họa. Theo nhiều cách, dàn trang (layout) và bố cục (composition) tạo thành các khối trong thiết kế, giúp cho thiết kế trông có cấu trúc và dễ dàng điều hướng, từ lề các cạnh đến nội dung trung tâm. Đầu tiên, hãy cùng điểm qua những nguyên tắc cơ bản về cách sắp xếp bố cục mà một Designer cần nắm rõ.

NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA BỐ CỤC TRONG THIẾT KẾ HÌNH ẢNH MÀ DESIGNER CẦN NẮM RÕ

01: HIỆU ỨNG LÂN CẬN

Hiệu ứng lân cận cốt là sử dụng không gian thị giác (Visual space) để tạo ra mối liên hệ giữa các phần nội dung. Thực tế, điều này khá đơn giản: tất cả những gì bạn cần làm là đảm bảo những phần liên quan được nhóm lại với nhau. Ví dụ các khối văn bản hoặc các thành phần đồ họa như hình dưới đây.

02: KHÔNG GIAN TRẮNG

Không gian trắng (hay còn gọi là khoảng trống) là phần quan trọng trong mọi bố cục. White space không có nghĩa chỉ có màu trắng; nó còn được gọi là ‘không gian âm’ (Negative space), là không gian giữa các phần nội dung, giữa các dòng hay thậm chí là phần ngoài lề.

03: CĂN CHỈNH

Căn chỉnh là việc bạn vẫn làm suốt mà thậm chí không nhận ra. Bất cứ khi nào bạn gõ một đoạn văn bản hay viết mail, các dòng được căn tự động.

04: TƯƠNG PHẢN

Sự tương phản nghĩa là một đối tượng trông khác với phần còn lại. Trong dàn trang và bố cục trong thiết kế hình ảnh, sự tương phản có thể hữu ích với bạn, như thu hút mắt người đọc, tạo điểm nhấn hay kêu gọi sự chú ý với những điều quan trọng.

Để tạo sự tương phản bố cục trong thiết kế hình ảnh dưới đây, chúng tôi sử dụng màu sắc, nhiều kiểu chữ và các kích cỡ khác nhau cho đối tượng. Điều này làm cho thiết kế năng động hơn, do đó, truyền đạt thông điệp hiệu quả hơn.

05: PHÂN CẤP

Sự tương phản khá gần gũi với sự phân cấp – một kĩ thuật thị giác giúp người xem điều hướng trên tác phẩm của bạn. Nói cách khác, nó cho biết nên bắt đầu đọc từ đâu đến đâu bằng cách dùng những cấp độ nhấn mạnh khác nhau.

Thiết lập Hierarchy khá đơn giản: Làm nổi bật phần mà bạn muốn người đọc chú ý đầu tiên. Những mục cấp cao thường được viết to hơn, đậm hơn hoặc trông hút mắt hơn.

06: SỰ LẶP LẠI

Sự lặp lại gợi nhắc rằng mọi tác phẩm nên có cái nhìn và cảm nhận nhất quán. Có nghĩa là bạn cần củng cố bố cục trong thiết kế của mình bằng cách lặp lại những đối tượng chính.

II. GỢI Ý NHỮNG CÁCH SẮP XẾP BỐ CỤC PHỔ BIẾN

Sau khi nắm được những nguyên tắc cơ bản, hãy cùng tìm hiểu các cách sắp xếp bố cục phổ biến nhất ngay bây giờ nha.

01: BỐ CỤC CÂN BẰNG

Bố cục cân bằng là một trong những cách sắp xếp phổ biến và an toàn nhất dành cho các bạn Graphic Designer, đặc biệt là các bạn mới. Bố cục cân bằng sẽ tạo ra sự hài hòa, ổn định và tạo nên cảm giác an toàn cho cả người xem và Graphic Designer. Bố cục cân bằng giúp đảm bảo rằng các yếu tố được sắp xếp và phân bổ một cách hợp lý, không có sự nhấn mạnh hay tương phản mạnh mẽ ở trong loại bố cục này.

* CÂN BẰNG ĐỐI XỨNG

Bố cục cân bằng đối xứng được tạo ra bằng việc sắp xếp các yếu tố thiết kế qua trục chính hoặc xung quanh trung tâm của ấn phẩm. Sử dụng cân bằng đối xứng giúp tạo ra sự đồng đều và cảm giác ổn định cho hình ảnh.

* CÂN BẰNG BẤT ĐỐI XỨNG

Bố cục cân bằng bất đối xứng là cách sắp xếp các yếu tố không đồng đều trong ấn phẩm thiết kế. Mặc dù các yếu tố sắp đặt không có sự đối xứng, không đồng đều, nhưng nó sẽ mang lại cảm giác phá cách, năng động và thú vị hơn nhiều về mặt thị giác.

02: BỐ CỤC TƯƠNG PHẢN

Bố cục tương phản thường được sử dụng với mục đích để tạo ra sự nổi bật và khác biệt rõ rệt ở trong một ấn phẩm thiết kế. Sự tương phản được tạo ra bằng cách sử dụng các yếu tố đối lập nhau, chẳng hạn như sự đối lập trong màu sắc, kích thước, hình ảnh, hay là kiểu chữ.

03: BỐ CỤC ĐỒNG NHẤT

Bố cục đồng nhất là cách sử dụng các yếu tố thiết kế giống nhau, tương đồng về màu sắc, đồ họa, kiểu chữ. Tất cả những yếu tố bố cục trong thiết kế hình ảnh đều phải có sự liên kết rõ ràng, rành mạch để tạo nên sự đồng đều và thống nhất trong cả một chuỗi hình ảnh, chiến dịch truyền thông.

Đây là loại bố cục thường được sử dụng nhiều nhất trong công việc thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, bởi nó tạo được sự hài hòa, đồng nhất và liên kết liền mạch giữa các ấn phẩm với nhau. Bên cạnh đó, bằng việc sử dụng bố cục đồng nhất trong thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, người xem sẽ dễ dàng ghi nhớ hình ảnh của thương hiệu hơn.

04: BỐ CỤC DÒNG CHẢY THỊ GIÁC

Là một trong những kỹ thuật thiết kế khá độc đáo, bố cục dòng chảy thị giác tạo sự chuyển động và điều hướng thị giác của người xem đi theo chủ đích của Graphic Designer. Graphic Designer sẽ sắp xếp các yếu tố đồ họa và văn bản để tạo thành những đường dẫn vô hình hướng mắt người xem đi từ điểm này qua đến điểm khác.

Sử dụng bố cục dòng chảy thị giác một cách thông minh sẽ giúp ấn phẩm thiết kế của bạn truyền tải thông điệp rõ ràng và tinh tế hơn rất nhiều.

05: BỐ CỤC NHẤN MẠNH

Bố cục nhấn mạnh tập trung vào việc làm nổi bật yếu tố quan trọng nhất trong một ấn phẩm thiết kế để từ đó dễ thu hút sự chú ý từ người xem. Để sử dụng bố cục nhấn mạnh, các bạn có thể tạo ra sự khác biệt giữa kích cỡ hình ảnh, sự tương phản về màu sắc hoặc sử dụng hình dáng khác biệt so với những yếu tố khác ở trong hình.

PhoneZaloMail